Bạn đang tìm hiểu về khái niệm báo cáo tài chính và những nội dung liên quan? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Hoàn Cầu để cập nhật những thông tin hữu ích nhé!
Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính (gọi tắt là BCTC) là hệ thống các thông tin liên quan đến tình hình kinh tế, hoạt động tài chính của doanh nghiệp như: dòng tiền, lợi nhuận, doanh thu, vốn chủ sở hữu, tài sản, nợ,… BCTC được kế toán viên trình bày dưới dạng bảng biểu, hỗ trợ việc đưa ra các quyết định về kinh tế.
Báo cáo tài chính có mấy loại?
BCTC được chia làm 2 loại là báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính hợp nhất.
Báo cáo tài chính tổng hợp
BCTC tổng hợp là báo cáo mà trong đó các thông tin được tổng hợp và trình bày một cách toàn diện, tổng quát về tình hình nguồn vốn chủ sở hữu, nợ phải trả, tài sản tại thời điểm năm tài chính kết thúc, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính. Thường định kỳ vào cuối mỗi quý hoặc mỗi năm thì BCTC sẽ được công bố.
BCTC tổng hợp chủ yếu được dùng để cung cấp thông tin cho việc đánh giá một cách tổng quát về thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp, là căn cứ quan trọng để đưa ra các quyết định về điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh của đơn vị cấp trên, các nhà đầu tư, chủ sở hữu hiện tại cũng như tương lai và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Báo cáo tài chính hợp nhất
Đây là báo cáo tài chính của một tập đoàn và được trình bày như BCTC của một doanh nghiệp. Việc lập báo cáo được thực hiện dựa trên cơ sở hợp nhất các BCTC từ công ty con và công ty mẹ.
Căn cứ vào chuẩn mực số 25 về “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”, có thể hiểu một số thuật ngữ như sau:
Tập đoàn: Bao gồm cả công ty con và công ty mẹ.
Công ty mẹ: Là thuật ngữ chỉ doanh nghiệp có một hoặc nhiều công ty con.
Công ty con: Là các doanh nghiệp (bao gồm các đơn vị không có tư cách pháp nhân, chẳng hạn đơn vị hợp danh), được kiểm soát bởi công ty mẹ.
>>> TÌM HIỂU THÊM: Dịch vụ khai báo thuế ban đầu, thuế tháng, thuế quý
Báo cáo tài chính gồm những gì?
Bộ BCTC khi nộp đến cơ quan Nhà nước sẽ bao gồm các phần sau:
Các tờ khai quyết toán thuế
Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Bộ báo cáo tài chính
Bảng cân đối kế toán.
Bảng lưu chuyển tiền tệ.
Bảng kết quả hoạt động kinh doanh.
Phụ lục đi kèm
Thuyết minh báo cáo tài chính.
Nội dung báo cáo tài chính bao gồm những gì?
Một BCTC đạt chuẩn cần cung cấp được đầy đủ các thông tin cụ thể về:
Tài sản.
Nợ phải trả, vốn chủ sở hữu.
Lỗ, lãi và phân chia kết quả kinh doanh.
Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác.
Thuế cũng như các khoản phải nộp Nhà nước.
Sự luân chuyển của các luồng tiền ra, vào trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Các tài sản khác liên quan đến đơn vị.
Bên cạnh đó, để trình bày thêm về chính sách kế toán áp dụng, các tiêu chí đã phản ánh trong BCTC tổng hợp thì doanh nghiệp còn cần cung cấp chi tiết về một số thông tin cần thiết trong bản “Thuyết minh báo cáo tài chính”, nhằm ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh như:
Nguyên tắc ghi nhận.
Hình thức kế toán.
Chế độ kế toán áp dụng.
Phương pháp trích khấu hao tài sản cố định.
Phương pháp tính giá, hạch toán hàng tồn kho.
…
Kỳ lập báo cáo tài chính khi nào?
Kỳ lập báo cáo tài chính hằng năm
BCTC năm được doanh nghiệp lập theo quy định của Luật Kế toán. Kỳ kế toán năm được tính là 12 tháng tròn sau khi thông báo cho cơ quan Thuế hoặc tính theo năm Dương lịch.
Trong một số trường hợp đặc biệt, doanh nghiệp có thể thay đổi ngày kết thúc của kỳ kế toán năm, khiến thời gian lập BCTC của kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng bị kéo dài hoặc rút ngắn hơn 12 tháng, tuy nhiên không được nhiều hơn 15 tháng.
Kỳ lập báo cáo tài chính giữa niên độ
Kỳ lập BCTC giữa niên độ là vào hàng quý của năm tài chính (ngoại trừ quý IV).
Kỳ lập báo cáo tài chính khác
Ngoài hai kỳ lập BCTC trên, doanh nghiệp có thể lập theo các kỳ kế toán khác như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng,… theo yêu cầu của pháp luật, chủ sở hữu hoặc công ty mẹ.
Nếu đơn vị kế toán gặp trường hợp bị tách, chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản, chấm dứt hoạt động, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu,… phải lập BCTC ở thời điểm tách, chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản, chấm dứt hoạt động, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu,…
Thời hạn nộp báo cáo tài chính khi nào?
Thời hạn chậm nhất để nộp BCTC là 90 ngày, tính từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc năm Dương lịch (ví dụ: Thời hạn nộp chậm nhất của BCTC năm 2019 là ngày 30/03/2020). Thời hạn nộp BCTC cũng là thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đối với trường hợp doanh nghiệp bị tách, chia, sáp nhập, hợp nhất, chấm dứt hoạt động, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trễ nhất là 45 ngày, tính từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện tách, chia, sáp nhập, hợp nhất, chấm dứt hoạt động, giải thể, chuyển đổi hình thức sở hữu.
Hướng dẫn cách lập báo cáo tài chính
Nguyên tắc lập báo cáo tài chính
Theo quy định ở khoản 4, Điều 102 Thông tư 200/2014/TT-BTC, khi lập báo cáo tài chính, kế toán viên cần tiến hành phân loại lại khoản nợ phải trả và tài sản được xác định là dài hạn trong kỳ trước, có thời gian đáo hạn không vượt quá một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường hoặc 12 tháng, tính từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.
Từ sổ chi tiết về các tài khoản, kế toán viên cần thực hiện phân loại theo nguyên tắc trình bày BCTC sau:
Nguyên tắc dồn tích
Ngoại trừ các thông tin có liên quan đến luồng tiền, còn lại việc lập BCTC của doanh nghiệp phải theo nguyên tắc kế toán dồn tích.
Theo cơ sở kế toán dồn tích, các sự kiện, giao dịch tại thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực chi, thực thu tiền và được ghi nhận vào sổ kế toán, báo cáo tài chính của các kỳ kế toán có liên quan.
Nguyên tắc hoạt động liên tục
Việc lập BCTC cần dựa trên cơ sở giả định rằng doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và tương lai gần vẫn tiếp tục kinh doanh bình thường, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp có ý định hoặc buộc phải thu hẹp quy mô hay ngừng hoạt động.
Nếu không dựa vào cơ sở nêu trên, BCTC cần nêu rõ cùng với cơ sở được dùng để lập cũng như lý do khiến doanh nghiệp không được xem là đang hoạt động liên tục.
Nguyên tắc trọng yếu và tập hợp
Trong báo cáo tài chính, từng khoản mục trọng yếu cần được trình bày một cách riêng biệt, còn các khoản mục không phải trọng yếu thì được trình bày tập hợp vào những khoản mục có cùng tính chất.
Ngoài ra, theo nguyên tắc trọng yếu, nếu các thông tin trong BCTC không mang tính chất trọng yếu thì việc trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không nhất thiết phải tuân theo quy định của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
Nguyên tắc nhất quán
Việc trình bày cũng như phân loại các khoản mục trong BCTC cần phải đảm bảo nhất quán từ niên độ này sang niên độ khác, ngoại trừ trường hợp:
Các hoạt động của doanh nghiệp có sự thay đổi đáng kể về bản chất hoặc khi xem xét lại báo cáo tài chính thấy rằng cần có sự thay đổi để có thể trình bày hợp lý hơn các sự kiện và giao dịch.
Một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu cần có sự thay đổi trong việc trình bày.
Nguyên tắc bù trừ
Trừ khi có một chuẩn mực kế toán khác quy định hoặc cho phép bù trừ, còn không thì các khoản mục nợ phải trả và tài sản được trình bày trên báo cáo tài chính không được bù trừ. Vì vậy mà các khoản mục nợ phải trả và tài sản cần được doanh nghiệp thống kê toàn bộ trên báo cáo tài chính.
Các khoản mục về doanh thu, thu nhập khác, chi phí chỉ thực hiện bù trừ khi:
Được quy định ở một chuẩn mực kế toán khác.
Các khoản lỗ, lãi, chi phí liên quan phát sinh từ các sự kiện, giao dịch giống nhau hoặc tương tự, không có tính trọng yếu.
Các khoản mục tài sản và nợ phải trả cùng các khoản thu nhập, chi phí có tính trọng yếu cần phải báo cáo riêng biệt. Việc bù trừ số liệu trong Bảng cân đối kế toán hoặc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trừ trường hợp bù trừ phản ánh bản chất của sự kiện hoặc giao dịch, sẽ không cho phép người sử dụng có thể hiểu được các sự kiện hoặc giao dịch được thực hiện hay dự tính được các luồng tiền của doanh nghiệp trong tương lai.
Nguyên tắc có thể so sánh
Các báo cáo tài chính như Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Bảng cân đối kế toán phải trình bày các số liệu dựa trên cơ sở có thể so sánh giữa các kỳ báo cáo.
Những thông tin trọng yếu cần được giải trình nhằm giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Đối với các chỉ tiêu không có số liệu, doanh nghiệp không cần trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chủ động đánh lại số thứ tự, tuy nhiên không được phép thay đổi mã số của các chỉ tiêu báo cáo.
Các bước lập báo cáo tài chính
Để lập BCTC, cần thực hiện theo hướng dẫn sau:
Tập hợp các chứng từ phát sinh trong năm tài chính, tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các báo cáo thuế đã kê khai theo định kỳ và nộp cho cơ quan Thuế (nội dung kê khai sai hay đúng, thiếu hóa đơn,…).
Vì hệ thống tài khoản giữa Thông tư 200/2014/TT-BTC và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC có sự thay đổi lớn nên cần thực hiện chuyển đổi số dư theo hướng dẫn ở Điều 126 Thông tư 200/2014/TT-BTC.
Thực hiện rà soát lại các bút toán, hạch toán, chứng từ từng tháng theo quy định. Đối với doanh thu, cần lưu ý phân biệt rõ ràng doanh thu hoạt động tài chính, doanh thu bán hàng, thu nhập khác. Đối với chi phí, cần phân biệt rõ ràng, ghi chép chính xác vào các khoản mục chi phí hoạt động tài chính, chi phí quản lý, chi phí bán hàng, giá vốn, chi phí khác.
Thực hiện phân loại nợ phải trả và tài sản theo đúng quy định: Nợ phải trả và tài sản trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày một cách riêng biệt thành dài hạn và ngắn hạn.
Nợ phải trả hoặc tài sản có thời gian đáo hạn không vượt quá 12 tháng được phân vào loại ngắn hạn.
Nợ phải trả và tài sản không được phân vào loại ngắn hạn thì sẽ được phân vào loại dài hạn.
Thuyết minh Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cần trình bày các nội dung về:
Cơ sở lập và trình bày BCTC.
Chính sách kế toán cụ thể được lựa chọn và áp dụng trong các giao dịch, sự kiện quan trọng.
Thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán, chưa được trình bày trong các BCTC khác.
Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ trên:
Các BCTC của kỳ trước (thuyết minh báo cáo tài chính, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán).
Sổ kế toán tổng hợp.
Sổ kế toán chi tiết về các tài khoản.
Các tài liệu kế toán chi tiết khác.
Kinh nghiệm đọc và phân tích báo cáo tài chính
Việc có thể đọc, hiểu và phân tích được BCTC không chỉ giúp hoạt động quản lý doanh nghiệp dễ dàng hơn mà còn có tác dụng trong quản lý tài chính cá nhân một cách chính xác, góp phần giúp bạn trở thành nhà đầu tư giỏi trong việc lựa chọn cổ phiếu từ các công ty tốt.
BCTC có ba loại quan trọng là: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Bảng cân đối kế toán. Ba loại báo cáo này sẽ giúp bạn nắm được những thông số quan trọng nhất, hình dung bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó đánh giá doanh nghiệp của mình có đang “khỏe mạnh” hay không.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đây là báo cáo cho biết thông tin về doanh số đạt được, các khoản chi phí và lợi nhuận còn lại của công ty, qua đó đánh giá doanh nghiệp đang lãi hay lỗ. Báo cáo này có thể được thực hiện vào hàng tháng, hàng quý hay hàng năm.
Khi đọc và phân tích Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bạn cần xem xét và xác định mức độ phù hợp, tính chính xác của các con số có liên quan, lưu ý các thông tin trong doanh thu, giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp, chi phí cố định và lợi nhuận ròng.
Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán sẽ cho bạn biết mối quan hệ giữa số tiền nợ công ty phải trả với số tài sản công ty hiện có. Qua đó, bạn có thể biết được doanh nghiệp của mình có đang khỏe mạnh hay không.
Trong phần này, khi đọc và phân tích, bạn cần quan tâm đến tài khoản 331 và tài khoản 131:
Xác định xem công nợ phải trả cho nhà cung cấp và phải thu của khách hàng có khớp nhau không.
So với cùng kỳ, nếu tài khoản 331 và 131 giảm thì đánh giá là tốt.
Trong phần tài sản, tài khoản 131 không được chiếm tỉ trọng quá cao.
Trong phần vốn chủ sở hữu, tài khoản 331 không được chiếm tỉ trọng quá cao.
Trong Bảng cân đối kế toán, bạn cần tập trung vào đọc và phân tích 4 yếu tố: khoản phải thu, hàng tồn kho, khoản phải trả, nợ dài hạn.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo này ghi lại dòng tiền chảy ra và chảy vào của doanh nghiệp thông qua các tài khoản là 111, 131 và 511. Qua đó, cho biết số tiền công ty thực sự kiếm được và dùng trong một khoảng thời gian nhất định là bao nhiêu.
Vì trong báo cáo kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận, dù chưa nhận được tiền nhưng vẫn được ghi lại ngay khi bán, thuế thu nhập và khấu hao tuy chưa cần trả tiền ngay lập tức nhưng vẫn được ghi lại dưới dạng chi phí. Do đó, để biết chính xác số tiền doanh nghiệp thực nhận, bạn cần đọc Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Dù công ty kiếm được lợi nhuận tốt nhưng nếu phải bỏ ra khoản tiền lớn để bảo trì thiết bị, máy móc hay số tiền khách hàng nợ nhiều thì vẫn thật sự nguy hiểm.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mà Hoàn Cầu chia sẻ, hy vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm BCTC, các nội dung liên quan, cách lập cũng như kinh nghiệm đọc và phân tích báo cáo. Nếu còn vấn đề nào cần tư vấn thêm về BCTC, đừng ngần ngại mà hãy liên hệ ngay với Hoàn Cầu để được hỗ trợ, giải đáp một cách tốt nhất!