Mục lục
Khi nhắc đến việc kinh doanh theo hình thức hợp danh, một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu chính là thành viên hợp danh.
Thành viên hợp danh là gì?
Thành viên hợp danh là những đồng chủ sở hữu của công ty hợp danh và công ty này phải có ít nhất 2 thành viên. Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình.
Họ là những người chịu trách nhiệm vô hạn liên đới đối với mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Các thành viên hợp danh trong công ty thường có mối quan hệ gắn kết nhân thân, sở hữu kiến thức chuyên môn và uy tín nghề nghiệp đáng tin cậy. Việc thay đổi thành viên hợp danh trong một số trường hợp như khi họ qua đời, mất khả năng hành vi dân sự hoặc rút vốn, có thể ảnh hưởng đáng kể đến cấu trúc vốn, cơ cấu tổ chức và thậm chí là sự tồn tại của công ty.
Quyền lợi thành viên công ty hợp danh
Căn cứ tại Điều 181 Khoản 1 Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 quy định về quyền lợi của thành viên hợp danh như sau:
Quyền về kinh tế
● Yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong phạm vi nhiệm vụ được giao nếu thiệt hại không phải do lỗi của thành viên cá nhân.
● Quyền nhận chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận trong điều lệ công ty.
● Trong trường hợp công ty giải thể hoặc phá sản, thành viên hợp danh có quyền nhận được phần tài sản còn lại tương ứng với phần vốn góp vào công ty, trừ khi điều lệ công ty quy định tỷ lệ khác.
● Các quyền khác dựa trên Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty được quy định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể.
Quyền về quản lý, thông tin và những quyền khác
● Quyền tham gia thảo luận, họp và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên hợp danh thường có một phiếu biểu quyết, nhưng số phiếu có thể khác nhau theo quy định trong Điều lệ công ty.
● Quyền đại diện và hành động nhân danh công ty trong việc kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh, đàm phán và ký kết hợp đồng, thỏa thuận/giao ước với điều kiện được coi là có lợi cho công ty.
● Quyền sử dụng con dấu và tài sản của công ty trong hoạt động kinh doanh của công ty.
● Nếu thành viên hợp danh ứng trước tiền để thực hiện công việc kinh doanh của công ty, thành viên có quyền yêu cầu hoàn trả số tiền gốc cùng với lãi (lãi suất thị trường) trên số tiền đã ứng.
● Quyền yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty và được quyền kiểm tra tài sản, báo cáo thuế, sổ kế toán và các tài liệu khác của công ty.
● Trong trường hợp thành viên hợp danh qua đời, người thừa kế của thành viên đó được hưởng một phần giá trị tài sản của công ty sau khi khấu trừ phần nợ thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được sự đồng ý của Hội đồng thành viên.
● Những quyền khác dựa trên Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty được quy định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể.
Nghĩa vụ thành viên công ty hợp danh
Căn cứ tại Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 về nghĩa vụ của thành viên hợp danh quy định như sau:
Nghĩa vụ quản lý
● Quản lý và thực hiện kinh doanh công ty một cách cẩn trọng, trung thực, và đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp cho công ty.
● Tuân thủ các quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, và các quyết định của Hội đồng thành viên trong việc quản lý và thực hiện kinh doanh. Nếu vi phạm quy định này và gây thiệt hại cho công ty, thành viên hợp danh phải bồi thường thiệt hại.
Nghĩa vụ tài chính
● Hoàn trả số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra cho công ty trong trường hợp nhân danh công ty, cá nhân hoặc người khác để thu nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh mà không nộp cho công ty.
● Chịu trách nhiệm liên đới để thanh toán các nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trả số nợ đó.
● Chịu lỗ tương đương với vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận trong Điều lệ công ty khi công ty kinh doanh bị lỗ.
Nghĩa vụ khác
● Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích cho cá nhân hoặc tổ chức khác. Tài sản của công ty phải được sử dụng đúng mục đích và lợi ích của công ty.
● Báo cáo trung thực và chính xác bằng văn bản về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty. Khi được yêu cầu, thành viên hợp danh cần cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của cá nhân mình.
● Những nghĩa vụ khác dựa trên Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty, mà có thể được quy định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể.
Hình thành và chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Hình thành tư cách thành viên hợp danh
Các hình thức để hình thành tư cách thành viên công ty hợp danh theo quy định tại Luật Doanh Nghiệp 2020 bao gồm:
● Góp đủ phần vốn theo cam kết góp vốn được thỏa thuận tại Điều lệ công ty.
● Nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ thành viên hợp danh trong công ty, với điều kiện Hội đồng thành viên chấp thuận.
● Được tặng cho hoặc được thừa kế phần vốn góp, với điều kiện Hội đồng thành viên chấp thuận.
● Nhận nợ bằng phần vốn góp từ thành viên công ty, với điều kiện được Hội đồng thành viên chấp thuận.
Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Căn cứ tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh được quy định như sau:
● Tự nguyện rút vốn khỏi công ty.
● Đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
● Bị khai trừ khỏi công ty.
● Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai.
● Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh.
● Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Điều kiện và thủ tục thay đổi thành viên hợp danh
Điều kiện thay đổi thành viên hợp danh
Điều kiện để công ty hợp danh được phép thực hiện thủ tục thay đổi thành viên hợp danh, theo Tiểu mục 8 Mục I Phần B thủ tục ban hành kèm theo Quyết định 855/QĐ-BKHĐT 2021, bao gồm các điều kiện sau:
● Không được đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
○ Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm và có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
○ Đang trong quá trình giải thể theo quyết định của doanh nghiệp.
○ Theo yêu cầu của Tòa án, Cơ quan thi hành án, hoặc Cơ quan điều tra.
○ Doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký.
● Được tiếp tục đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
○ Đã khắc phục vi phạm theo yêu cầu trong Thông báo về việc vi phạm và được chấp nhận bởi Phòng Đăng ký kinh doanh.
○ Cần thay đổi nội dung đăng ký để hoàn tất quá trình giải thể và được chấp nhận bởi Phòng Đăng ký kinh doanh.
○ Có ý kiến chấp thuận bằng văn bản từ các tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu quy định.
○ Đã chuyển từ tình trạng "Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký" sang "Đang hoạt động".
● Chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
● Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
○ Có đủ giấy tờ theo quy định.
○ Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
○ Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
● Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được chấp thuận khi đáp ứng các yêu cầu sau:
○ Có đầy đủ giấy tờ và nội dung theo quy định, được kê khai đầy đủ dưới dạng văn bản điện tử.
○ Có chữ ký số hoặc Tài khoản đăng ký kinh doanh để xác thực hồ sơ.
○ Các thông tin đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp phải chính xác và đầy đủ.
● Việc đóng dấu không bắt buộc trong thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tùy theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thủ tục thay đổi thành viên hợp danh
Khi công ty hợp danh có sự thay đổi về thành viên hợp danh, căn cứ tại Điều 42 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, thủ tục thay đổi thành viên hợp danh bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu cần thiết, bao gồm các thông tin sau:
● Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục II-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
● Danh sách thành viên công ty hợp danh (theo Phụ lục I-9 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
● Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty hợp danh.
● Thông tin cá nhân của thành viên hợp danh mới, bao gồm họ tên, số Giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác và địa chỉ thường trú.
● Chữ ký của tất cả thành viên hợp danh hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền, trừ thành viên bị chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.
● Các nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.
● Bản sao hợp lệ của giấy tờ chứng thực cá nhân của thành viên hợp danh:
○ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
○ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Bước 2: Gửi hồ sơ thay đổi thành viên hợp danh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và trao Giấy biên nhận và tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới cho công ty hợp danh.
So sánh thành viên hợp danh và thành viên góp vốn
Giống nhau:
● Đều là thành viên của công ty hợp danh, phải là cá nhân từ 18 tuổi trở lên và có khả năng nắm bắt quyền hành vi của mình.
● Phải đảm bảo góp đủ và đúng thời hạn số vốn cam kết với công ty.
● Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
● Chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại điều lệ công ty.
● Tham gia vào việc họp, nêu ý kiến và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về hoạt động kinh doanh của công ty.
● Được chia tài sản còn lại khi công ty hợp danh giải thể hoặc phá sản.
Khác nhau:
| Thành viên hợp danh | Thành viên góp vốn |
Số lượng thành viên | Phải có ít nhất 2 thành viên. | Không có yêu cầu cụ thể về số lượng thành viên. |
Đối tượng | Là cá nhân có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực kinh doanh của công ty hợp danh. | Là tổ chức hoặc cá nhân mà không cần trình độ chuyên môn. |
Trách nhiệm | Chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới đối với nghĩa vụ và các khoản nợ của công ty. | Chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp. |
Quyền kết nạp thành viên | Cần có sự đồng ý của ít nhất 3/4 thành viên hợp danh. | Chỉ cần sự chấp thuận của 2/3 thành viên hợp danh. |
Quyền quản lý công ty | Có quyền tham gia quản lý công ty và ra quyết định. | Không có quyền trong việc quản lý các hoạt động của công ty. |
Quyền hưởng lợi nhuận | Được hưởng lợi nhuận theo số vốn góp hoặc thỏa thuận. | Chỉ được hưởng theo tỷ lệ vốn góp. |
Chuyển nhượng vốn | Chỉ có thể chuyển nhượng vốn khi có sự đồng thuận của các thành viên hợp danh khác. | Phải tuân thủ theo quy định pháp luật. |
Quyền hạn | Không được làm chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh khác. Không sử dụng danh tính cá nhân hoặc thành viên khác để thực hiện hoạt động kinh doanh tương tự. | Quyền hạn tương ứng với một thành viên trong công ty đối vốn. |
Câu hỏi thường gặp
Quy trình giải quyết tranh chấp giữa các thành viên diễn ra thế nào?
● Tổ chức cuộc đàm phán và hòa giải giữa các thành viên công ty hợp danh để giải quyết tranh chấp về tài sản góp vốn.
● Tư vấn và soạn thảo hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến tài sản góp vốn, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
● Uỷ quyền cho công ty trực tiếp giải quyết tranh chấp giữa các thành viên hợp danh về tài sản góp vốn.
● Đảm bảo việc loại bỏ hoặc giảm thiểu rủi ro pháp lý để tối ưu hóa quyền lợi của khách hàng khi giải quyết chấp nhận tranh chấp.
Thanh viên hợp danh có thể rút vốn khỏi công ty hợp danh khi nào?
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 về việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của công ty hợp danh quy định như sau:
● Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty hợp danh nếu Hội đồng thành viên chấp thuận.
● Để rút vốn, thành viên cần thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn ít nhất 6 tháng trước ngày rút vốn.
● Rút vốn chỉ được thực hiện vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm đó đã được thông qua.
Những hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh là gì?
Căn cứ tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh bao gồm:
● Không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân.
● Không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
● Không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
● Không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
Công ty hợp danh có được mở chi nhánh không?
● Công ty hợp danh được phép thành lập chi nhánh ở nước trong và nước ngoài.
● Công ty có thể mở một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính.
● Trong vòng 30 ngày kể từ ngày chính thức thành lập chi nhánh ở nước ngoài, công ty hợp danh cần thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh tại địa chỉ trụ sở chính của công ty hợp danh.
Trên đây là tất cả những thông tin về khái niệm, quyền, nghĩa vụ và thủ tục để trở thành thành viên hợp danh chính thức trong công ty.
Nếu bạn đang cần tư vấn kinh doanh hoặc muốn thành lập công ty hợp danh, hãy ghé thăm trang web của Hoàn Cầu Office tại địa chỉ https://www.hoancauoffice.vn/ hoặc liên hệ trực tiếp qua hotline 0901.6688.35. Đội ngũ chuyên viên giàu kinh nghiệm và tận tâm của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình phát triển và vững chắc cho doanh nghiệp của bạn.